ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP

Đạo đức nghề nghiệp là khái niệm chỉ những nguyên tắc chi phối hành vi của một người, một nhóm người hoặc của cả một tập thể trong môi trường kinh doanh. Đạo đức nghề nghiệp hướng con người đến chân – thiện – mỹ trong một môi trường nhiều cạnh tranh, nhiều cân nhắc, tính toán.

Tâm can chạy theo lợi nhuận, ưu tiên tối đa quyền lợi bản thân không khó tìm trong môi trường kinh doanh, nhưng có mấy cá nhân, doanh nghiệp trụ được hoặc phát triển bền vững với tâm can đó. Đã kinh doanh, cần nghĩ đến lợi nhuận, vì đó là nguồn thu nhập của rất nhiều nhân sự trong một tổ chức, nhưng lợi nhuận kiếm được phải tương xứng chất lượng sản phẩm dịch vụ, phải mang đến giá trị cho xã hội, cho từng khách hàng thì mới đáp ứng đúng tiêu chuẩn của đạo đức nghề nghiệp.

  1. Trung thực trong hành động

Doanh nghiệp quy định đạo đức nghề nghiệp ngoài việc định hướng phát triển lâu dài, còn một mục tiêu nữa, chính là tạo ra môi trường làm việc minh bạch trong toàn đội ngũ nhân sự. Dựa trên quy tắc nghề nghiệp, từng nhân sự hiểu rõ mình cần hoàn thành nhiệm vụ một cách trung thực, đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn của tổ chức, chứ không thể chụp giựt, chỉ nghĩ đến quyền lợi của cá nhân.

  1. Phong cách làm việc có nguyên tắc

Nguyên tắc không phải do một cá nhân đặt ra, mà là do doanh nghiệp quy định. Đó là trình tự công việc, là tiêu chuẩn chất lượng hoàn thành nhiệm vụ, là yêu cầu về sự tập trung khi làm việc, đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch… Doanh nghiệp muốn hoạt động đồng bộ luôn cần một đội ngũ tuân thủ nguyên tắc làm việc chung đã được nghiên cứu, điều chỉnh và thống nhất áp dụng.

  1. Hướng đến mục tiêu chung của tổ chức

Thành công của doanh nghiệp sẽ luôn đồng hành cùng thành công của nhân viên. Rất nhiều tình huống mà phương pháp bạn nghĩ là hiệu quả cho công việc nhưng lại không đáp ứng mục tiêu chung của tổ chức. Đơn cử, bạn tìm được một nhà tổ chức sự kiện mới thành lập, giá rẻ, nhưng với một doanh nghiệp tầm cỡ, chi phí không hẳn là vấn đề quan tâm hàng đầu, họ sẵn sàng chi nhiều tiền để chọn công ty có thương hiệu tốt. Bởi vì, thương hiệu của công ty đó sẽ giúp doanh nghiệp nâng tầm giá trị trên thương trường. Vì vậy, luôn hướng đến mục tiêu chung của tổ chức cũng chính là đạo đức nghề nghiệp đặc thù mà nhân viên cần tuân thủ.

  1. Tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng ngành nghề

Đối tượng khách hàng khác nhau, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa dịch vụ sẽ khác nhau. Sản phẩm cực tốt, chi phí sản xuất lớn, doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh về giá trên thị trường. Nhưng một sản phẩm quá tệ mà bán với giá tương đương sản phẩm tốt thì khách hàng sẽ khó chấp nhận. Luôn có những ngưỡng tiêu chuẩn chất lượng, vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh, vừa đảm bảo quyền lợi của khách hàng, và đó cũng là một phần trong đạo đức nghề nghiệp.

  1. Hòa đồng, hỗ trợ đồng nghiệp

Một con én không làm nên mùa xuân, một tập thể mà cứ so bì, tị nạnh nhau thì không thể hợp tác tạo nên thành tích tốt được. Đã làm việc trong một doanh nghiệp, sự hòa đồng, hỗ trợ lẫn nhau, giảm cái tôi của mình vì lợi ích chung là điều mà từng cá nhân, từng bộ phận trong doanh nghiệp cần quán triệt khi thực hiện đạo đức nghề nghiệp.