BÍ QUYẾT LÀM SẾP VÀ CÁCH QUẢN LÝ NHÂN SỰ

1. Luôn để nhân viên thể hiện quan điểm

Việc để nhân viên được thoải mái thể hiện quan điểm của mình sẽ khiến họ cảm thấy nâng cao giá trị, được tin tưởng và từ đó sẽ tự tin hơn, nỗ lực nhiều hơn trong công việc.

Mặt khác, những ý tưởng, quan điểm của nhân viên đưa ra sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian trong giải quyết vấn đề, hạn chế sai sót, rủi ro. Đồng thời với mỗi quyết định dựa trên ý kiến, quan điểm của nhân viên sẽ dễ đạt được sự đồng thuận cao, tránh những bàn tán không đáng có sau này.

2. Phân công công việc phù hợp

Người lãnh đạo giỏi là người có khả năng nắm bắt những công việc của công ty và giao việc cho nhân viên một cách hợp lý. Để làm được điều này, người làm sếp phải đánh giá đúng năng lực của nhân viên. Hãy sắp xếp một công việc phù hợp với năng lực, sở trường của họ, để họ có thể phát huy được thế mạnh, đóng góp tối đa cho tổ chức.

3. Gần gũi, chia sẻ, thấu hiểu nhân viên

Hãy luôn gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ với nhân viên, cùng họ tháo gỡ những khó khăn trong công việc.

Hãy luôn nhớ nhân viên không phải là người dưới quyền mà là những người đồng hành cùng bạn để tạo ra các giá trị. Vì vậy, gần gũi, chia sẻ, thấu hiểu họ mới giúp bạn có được những người đồng hành tuyệt vời.

4. Thưởng phạt phân minh 

Là người đứng đầu tổ chức, bạn cần đưa ra chính sách thưởng phạt rõ ràng, phân minh, công bằng với tất cả mọi người. Quy chế thưởng phạt sẽ giúp khuyến khích nhân viên làm việc chăm chỉ, đạt năng suất cao, đồng thời sẽ giúp hạn chế những vi phạm, sai sót.

Lưu ý là quy chế thưởng phạt phải phù hợp với điều kiện của tổ chức, của nhân lực trong tổ chức. Không nên đưa ra những quy định quá khắt khe vì có thể gây ra áp lực cho nhân viên. Trong một số trường hợp, có thể để nhân viên tự đặt ra các mục tiêu và đánh giá việc thực hiện mục tiêu của chính họ.

5. Luôn tạo động lực làm việc cho nhân viên

Quản lý nhân sự cần tạo điều kiện để nhân viên được làm công việc phù hợp với chuyên môn, năng lực của họ và luôn ghi nhận những nỗ lực, thành quả của họ. Đấy cũng là cách giúp họ yêu thích công việc của mình và có động lực làm việc.

Bạn cũng cần tạo dựng môi trường làm việc hòa thuận, tương trợ lẫn nhau giữa nhân viên với nhau, giữa nhân viên với lãnh đạo. Nhân viên sẽ có động lực làm việc hơn khi họ có sự gắn bó, hòa thuận với đồng nghiệp, với lãnh đạo.

Mặt khác, bạn hãy trở thành tấm gương sáng cho nhân viên về nỗ lực làm việc, truyền cảm hứng cho họ làm tốt hơn công việc của mình.

6. Không ngừng trau dồi kiến thức

Thái độ học hỏi và không ngừng trau dồi kiến thức cũng giúp bạn trở thành người quản lý khiến nhân viên nể phục. Đã từng có rất nhiều bài học từ những vị lãnh đạo có chuyên môn tốt nhưng lại thiếu kỹ năng quản lý nhân sự nên không thể lãnh đạo doanh nghiệp thành công. Vì vậy, bên cạnh việc tích cực học hỏi về chuyên môn, hãy đồng thời trang bị cho mình những kiến thức về quản lý.